Người tiêu dùng kỳ vọng EVFTA sau khi có hiệu lực sẽ giúp họ mua được sản phẩm chất lượng từ châu Âu với mức giá rẻ. Tuy nhiên, lộ trình cắt giảm thuế quan có thể lên đến 10 năm.
Ngày 12/2, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ phiếu ủng hộ lần lượt là 401/633 và 407/633.
Như vậy, EVFTA và EVIPA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được Nghị viện châu Âu khóa mới phê chuẩn.
Khi nao nguoi Viet duoc mua oto, thit, sua gia re tu chau Au? hinh anh 1 TT.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Chủ tịch EP David Sassoli hồi đầu năm. Ảnh: VPG.
Về phía Việt Nam, từ nay đến kỳ họp Quốc hội gần nhất (dự kiến vào tháng 5), Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch nước và Quốc hội xem xét thông qua; đồng thời chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động để tận dụng EVFTA.
“Theo tiến độ, dự kiến tháng 7 EVFTA sẽ được đưa vào thực thi”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Tại thời điểm có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế cho các mặt hàng từ EU. Tuy nhiên, trong đó không có các mặt hàng được Việt Nam nhập khẩu nhiều từ châu Âu như ôtô, linh kiện, máy móc thiết bị, các loại thịt, sữa và sản phẩm sữa.
Mua ôtô châu Âu với thuế nhập khẩu 0% từ năm 2029-2030
Theo thỏa thuận trong EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ôtô phân khối lớn (trên 3.000 cc cho động cơ xăng và trên 2.500 cc cho động cơ diesel) sau 9 năm hiệp định có hiệu lực. Với các loại ôtô khác, thuế nhập khẩu về 0% sau 10 năm.
Như vậy, với các dòng xe nhập khẩu BMW, Mercedes, Audi, Volvo, Maserati... người tiêu dùng có thể kỳ vọng tiết kiệm được một khoản tiền nhất định từ năm 2029-2030, nếu EVFTA đi vào hiệu lực từ ngày 1/7 như dự kiến.
Khi nao nguoi Viet duoc mua oto, thit, sua gia re tu chau Au? hinh anh 2 DSC_1075_zing.jpg
Người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các dòng xe nhập khẩu từ châu Âu với mức giá thấp hơn từ năm 2029-2030. Ảnh: Hoàng Hà.
Thực tế, các mẫu xe này đang chịu mức thuế nhập khẩu 70-80%. Cộng thêm các loại thuế, phí khác, giá xe chào bán tại Việt Nam thường cao gấp 2-3 lần giá bán nội địa ở châu Âu.
Khi thuế nhập khẩu về 0%, ngoài việc cắt giảm được 70-80% giá xe ban đầu, các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm đi.
Lý do là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô bằng 35-150% giá xe ban đầu cộng thuế nhập khẩu, tùy loại xe và dung tích; còn thuế giá trị gia tăng là 10% giá xe sau khi đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Khi về tay người tiêu dùng, các loại phí được tính theo giá trị xe cũng giảm đi.
Chưa kể, với EVFTA, các phụ tùng ôtô cũng được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm. Đây là một tin vui với những người ưa chuộng xe nội địa, bởi phần lớn linh kiện, phụ tùng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay được nhập khẩu.
Mặc dù vậy, một số đại lý xe nhận định, giá ôtô trong 10 năm tới, dù được cắt giảm thuế nhập khẩu, vẫn tương đối cao so với thu nhập của người Việt.
Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu ôtô lớn nhất sang Việt Nam là Thái Lan, Indonesia, Mexico, Nga và Trung Quốc..., còn lượng xe từ EU chủ yếu ở phân khúc hạng sang và siêu sang. Do đó, tác động của EVFTA không nhiều.
Trước đó, từ năm 2018, các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN cũng được cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% nhưng giá bán lẻ vẫn không xuống thấp, bởi nhiều thủ tục giấy tờ tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Chờ 3 năm để ăn sữa, cá, thịt châu Âu giá phải chăng
Ngoài ôtô, máy móc, linh phụ kiện... công nghiệp, EU cũng được biết đến là nơi chế biến và xuất khẩu thực phẩm chất lượng cao. Do đó, dù các loại sữa, thịt, cá nhập khẩu từ châu Âu có giá cao gấp 1,5-3 lần sản phẩm nội địa, người tiêu dùng Việt Nam vẫn tin tưởng và chọn mua.
Với việc ký kết EVFTA giữa EU và Việt Nam, sớm nhất đến năm 2023, các gia đình Việt sẽ có thể mua và sử dụng những thực phẩm này với mức giá thấp hơn.
Khi nao nguoi Viet duoc mua oto, thit, sua gia re tu chau Au? hinh anh 3 thit_lon_reuters.jpg
Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ châu Âu được xóa thuế nhập khẩu sau 7 năm, còn các loại thịt lợn khác mất 9 năm. Ảnh: Reuters.
Cụ thể, sữa và các sản phẩm từ sữa được cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau lộ trình 3-5 năm, còn cá và các sản phẩm từ cá sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3-7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Trong khi đó, các mặt hàng thịt bò mất 3 năm, thịt lợn đông lạnh mất 7 năm, thịt lợn khác mất 9 năm, thịt gà mất 10 năm để được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%.
Điều này giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn mua sắm, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp e ngại về khả năng cạnh tranh trên thị trường.
"Giá cao người ta còn sẵn sàng mua như thế, thì thử hỏi khi giá giảm xuống, sức mua sẽ tăng như thế nào. Chúng tôi còn khoảng 2-3 năm nữa để gia tăng sản lượng, chất lượng và tạo dựng vị thế", đại diện một đơn vị chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đồng Nai chia sẻ.
Theo lộ trình đã cam kết, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU được áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO.
Đồng thời, với việc ký kết EVFTA, EU cũng cam kết không áp dụng thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU sang Việt Nam tăng khoảng 15,28% vào năm 2020. Đến năm 2025, kim ngạch tăng 33,06%. Năm 2030, kim ngạch tăng 36,7%.
Ở chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, kim ngạch xuất khẩu được dự báo tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.
Tổng hòa nhiều yếu tố khác từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này, GDP Việt Nam sẽ tăng bình quân 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023. Mức tăng trưởng bình quân sẽ đạt 4,57% trong giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029-2033.
zing.vn